Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo 5 TP trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ xây dựng đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Đồng thời phải dành quỹ đất và có chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng các bãi đậu xe theo quy hoạch.
Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư
Ngày 7-2, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào làm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là điểm đậu và các loại hình giao thông công cộng khác chưa đồng bộ. Theo chỉ đạo, các địa phương phải lập một dự án chung, trong đó quy định về đường đi lối lại, điểm đậu xe, giá vé… để các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu, đầu tư.
Theo ông Hùng, dự kiến quý III/2014, các địa phương sẽ hoàn thành đề án mà Thủ tướng giao. Việc tổ chức xe đạp công cộng cho thuê ở Hà Nội, TP HCM sẽ thực hiện từ năm 2015.
Mặc dù chưa nhận được văn bản chính thức chỉ đạo thực hiện đề án nhưng lãnh đạo các sở GTVT đều nhận định đây là việc làm cần thiết nhằm giảm bớt áp lực giao thông, bảo vệ môi trường và thay đổi thói quen đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nói: “Các phương án đều đã được nghiên cứu cả rồi, chờ chỉ đạo là chúng tôi bắt tay vào thực hiện thôi”. Được biết, tại Hà Nội, Sở Công Thương cũng đang lấy ý kiến về đề án phát triển xe đạp công cộng. Theo đó, sở kiến nghị UBND TP Hà Nội hỗ trợ cho vay khoảng 900 triệu đồng từ quỹ xúc tiến thương mại để khảo sát thực trạng sản xuất xe đạp và tổ chức triển lãm nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.
Ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết tại Đà Nẵng, tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe không quá áp lực như ở Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, việc triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng là cần thiết bởi Đà Nẵng đang xây dựng trở thành TP môi trường. Trong năm 2013, sau thành công từ mô hình cảnh sát khu vực đi làm bằng xe đạp tại phường Thanh Bình (quận Hải Châu), Công an TP Đà Nẵng đang nhân rộng mô hình này đến 45 phường trên địa bàn TP.
Đừng đua theo tiến độ
Thế giới đã triển khai mạnh mẽ hệ thống xe đạp công cộng từ năm 2005. Hiện nay đã có gần 200 TP áp dụng hệ thống này, nhiều nhất là TP Vũ Hán và Quảng Châu - Trung Quốc.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai - Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, đề án thí điểm cung cấp xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm cho 5 TP lớn là một chủ trương đúng. Đây là phương pháp khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận các điểm cần đến hoặc cần đi từ các trạm xe buýt hoặc tàu điện ngầm. Loại xe đạp này được gọi là xe đạp nối kết. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có những điều kiện đáp ứng một cách khả thi như: xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp, có khu vực để xe đạp thuận tiện, hình thức thuê xe và bảo quản xe phù hợp.
“Các TP lớn ở Việt Nam đều trong tình trạng quá tải mặt đường và vỉa hè. Do vậy, làm thêm 1 làn đường nữa và bãi giữ cho xe đạp là bất khả thi. Việc sử dụng xe đạp công cộng làm phương tiện nối kết trong vận chuyển hành khách công cộng là điều hoàn toàn khó thực hiện được trong hoàn cảnh hiện nay một cách đại trà. Chúng ta chỉ có thể làm thí điểm cho một vài tuyến xe buýt hoặc tàu điện ngầm (tương lai) tại các khu trung tâm tp có nhiều làn đường” - ông Mai nhận định.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, áp dụng hệ thống xe đạp công cộng vào các TP lớn của Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ rất cần và càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạ tầng giao thông đô thị Việt Nam, hệ thống quản lý giao thông Việt Nam và đặc biệt là tồn tại do các đô thị phát triển thiếu kiểm soát, cần có các giải pháp thực hiện và cách làm đúng theo quy luật và đặc thù của người Việt Nam.
Theo ông Sanh, Bộ GTVT và các địa phương không nên chạy theo “tiến độ” mà phải nghiên cứu từng bước. Trước hết, phải có một bản quy hoạch cho hệ thống xe đạp công cộng, điều tra khảo sát nhu cầu sử dụng xe đạp. Song song đó, ban hành công bố các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật về loại hình phương tiện này, đặc biệt về hệ thống hạ tầng (đường dành riêng cho xe đạp, tín hiệu giao thông, biển báo, chỗ để xe, công nghệ quản lý...), nghiên cứu các phương thức quản lý vận hành khai thác, lộ trình và tiến độ thực hiện. Phải có một báo cáo nghiên cứu khả thi hoàn chỉnh được phê duyệt trước khi tiến hành thực hiện các dự án thành phần.
Ngoài ra, Bộ GTVT và các địa phương nên tham khảo ý kiến rộng rãi của cộng đồng, huy động chất xám hiệu quả của các trường đại học và các chuyên gia trong ngành lẫn ngoài ngành. Không quên kết hợp với nhiều đề án khác như phát triển giao thông công cộng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, chấn chỉnh quản lý xây dựng quy hoạch đô thị, giải tỏa lòng lề đường...
--Theo nld.com--
Home
»
Tin-tức
» Thí điểm cho thuê xe đạp công cộng tại Hà Nội - TP HCM - Hải Phòng - Đà Nẵng - Cần Thơ
Lời ngỏ :
Dành cho quảng cáo
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét